COVID-19 góp phần đẩy mạnh công nghệ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth). Nó trở thành một xu hướng mới được nhiều người quan tâm và lựa chọn sử dụng.
Giờ đây những khách hàng chăm sóc sức khỏe không còn cần phải chờ được khám vì công nghệ đã giúp họ đặt lịch hẹn, yêu cầu mua thuốc theo toa, xem kết quả xét nghiệm trực tuyến.
Có ba loại công nghệ chính sử dụng trong telehealth gồm: theo dõi bệnh nhân từ xa, lưu trữ - chuyển tiếp và các cuộc gặp sử dụng âm thanh/hình ảnh thời gian thực.
Trong đó, giao tiếp âm thanh/hình ảnh thời gian thực là mắt xích quan trọng nhất. Nó kết nối bệnh nhân và bác sĩ từ xa, thông qua thiết bị hỗ trợ hình ảnh và âm thanh trên điện thoại hoặc máy tính. Còn công nghệ lưu trữ và chuyển tiếp là hình thức lâu đời nhất của công nghệ telehealth.
98point6 đã sử dụng “bác sĩ AI”, (AI - trí tuệ nhân tạo), AI sẽ khai thác kho dữ liệu (như triệu chứng) để phân loại bệnh nhân từ xa trước khi đến các cơ sở y tế và đưa ra bác sĩ chuyên khoa phù hợp nhất để thăm khám sau đó.
Còn 23andMe tận dụng kho dữ liệu mà họ lưu trữ về di truyền học của khách hàng để xác định những bệnh có nguy cơ mắc phải và cung cấp các kế hoạch hỗ trợ tránh hoặc kiểm soát thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính.
Quy mô thị trường và doanh thu cổ phiếu toàn cầu của Telehealth dự kiến sẽ tăng từ 62,45 tỷ USD vào năm 2020 lên 475,50 tỷ USD vào năm 2026 (Theo Facts and Factors).
Nhiều gã khổng lồ công nghệ cũng đang bắt đầu chú ý đến tiềm năng của telehealth. Trong đó, Amazon với Amazon Care đang thử nghiệm cho nhân viên của họ. Những ông lớn công nghệ khác như: Apple, Google, Xiaomi, Huawei,... cũng có những sản phẩm cả phần cứng và phần mềm để theo dõi sức khoẻ.
Tại Việt Nam, giải pháp theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ xa của Phòng khám đa khoa online 365 medihome được vinh danh là giải pháp xuất sắc của ngành phần mềm thuộc lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Hay nhờ nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel thiết lập, các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca bệnh COVID-19 chuyển biến nặng.
Tuy nhiên, telehealth vẫn còn nhiều rào cản, một trong số đó là hiệu quả hạn chế khi thực hiện chuẩn đoán, khám bệnh từ xa, nhất là những ca bệnh có tính chất phức tạp.
Dù vậy, telehealth vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành một xu hướng thịnh hành trong tương lai.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp