Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số ngành ngân hàng

01/2022

Thời gian qua, chuyển đổi số ngành tài chính ngân hàng đã có những bước tiến mạnh mẽ: thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm,...) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến mọi lúc mọi nơi, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ, và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng...

Vì thế, Thống đốc vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, yêu cầu các đơn vị thuộc, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tập trung triển khai có hiệu quả 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của các tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số.

Thứ ba, tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số an toàn và đúng quy định pháp luật.

Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.

Theo VnEcomomy