Chuyển đổi số trong logistics là giải pháp cấp thiết cho doanh nghiệp

01/2022

Khi Covid-19 xảy ra, logistics chịu tác động rất nặng nề. Nếu không sớm thực hiện chuyển đổi số, phần lớn doanh nghiệp logistics khó có thể tồn tại, cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Chuyển đổi số trong logistics

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics là giải pháp cấp thiết

Các mô hình vận chuyển logistics truyền thống tại Việt Nam đang dần lạc hậu, thể hiện qua việc chi phí logistics tại Việt Nam chiếm đến 20,9% GDP và tỷ lệ giao hàng không thành công khoảng 10%. Hơn thế nữa, doanh nghiệp logistics còn bị giảm doanh thu, giảm số lượng dịch vụ hậu cần cả trong nước và quốc tế do dịch bệnh.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, khai thác phương thức vận hành hậu cần trực tuyến (e-logistics) để duy trì hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chính là giải pháp cấp thiết trong bối cảnh trên.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để giải quyết vấn đề chi phí logistics còn rất cao cần 3 mũi giáp công: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng đầu tư hạ tầng và đặc biệt chú ý đến ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong logistics để kéo giảm chi phí.

Còn theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch VLA, doanh nghiệp logistics cần kích thích phát triển chuyển đổi số, ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics.

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel cũng chia sẻ, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong logistics để khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch và tận dụng được lợi thế của cách mạng số.

Theo Báo Đầu tư